Việc đầu tiên du học sinh cần làm là gọi cảnh sát, rồi chụp ảnh hiện trường, thu thập thông tin và tìm nhân chứng, nếu không may khi xảy ra va chạm giao thông ở Mỹ.
Lê Thùy Dương, 26 tuổi, hiện học thạc sĩ tại Đại học Gonzaga, thành phố Spokane, bang Washington. Cô từng có một năm làm việc cho công ty luật Personal Injury tại thành phố Las Vegas. Nhờ kiến thức học được tại đây, cô có kinh nghiệm xử lý một số tình huống va chạm giao thông ở Mỹ.
Dương cho hay nhiều du học sinh mua xe ở Mỹ để tiện di chuyển. Khi va chạm xảy ra, những hành động sau đó có thể mang lại lợi thế hoặc gây hại cho “khổ chủ”.
Lê Thùy Dương, sinh viên Đại học Gonzaga, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nếu là “bị hại” trong các va chạm giao thông ở Mỹ, du học sinh nên làm các bước sau:
Việc đầu tiên du học sinh cần làm là gọi cảnh sát (quay số 911). Cảnh sát sẽ đến hiện trường, ghi lại thông tin vụ việc và giúp phân xử đúng – sai. Trong biên bản của cảnh sát, nếu tên bạn được ghi vào phần nguyên đơn, thì bạn là nạn nhân và được bồi thường. Ngược lại, nếu tên bạn ở phần bị cáo, bạn có thể phải bồi thường cho bên kia và khả năng cao phải tăng tiền bảo hiểm xe.
Nếu bạn quyết định kiện để đòi bồi thường, các bằng chứng như hình ảnh hiện trường tai nạn là quan trọng trong việc xác định trách nhiệm pháp lý từ hai phía.
“Bạn hãy chụp lại cả hai xe (đằng trước, đằng sau, hai bên), ảnh chụp rõ vào vết đâm, các hư hỏng của xe, các mảnh vỡ, vết bánh xe, đèn giao thông, biển báo…”, Dương lưu ý.
Sau đó, hãy thu thập thông tin của phía bên kia như thông tin liên lạc (số điện thoại, địa chỉ, email) và thông tin về bảo hiểm. Cách tốt nhất là chụp lại căn cước công dân/bằng lái xe của họ và thẻ bảo hiểm (trong đó có tên hãng bảo hiểm, số bảo hiểm, gói bảo hiểm).
“Bạn hãy nhớ chụp thêm cả số VIN của xe (13 số – thường được dán trên góc mặt kính phía trước), kiểu xe, hãng xe và năm, và biển số xe”, Dương tư vấn.
Nếu thương tích của bạn không quá lớn, bạn có thể tự đòi bồi thường thiệt hại với công ty bảo hiểm của bên gây tai nạn bằng các thông tin này.
Người gặp tai nạn còn phải tự thu thập thông tin của mình. Lúc xảy ra tai nạn, bạn có thể sẽ rơi vào trạng thái sốc và khó nghĩ được nên hay không nên làm gì. Khi bình tĩnh lại, bạn hãy ghi chú, quay video hoặc mở ghi âm về những gì có thể nhớ và cảm nhận.
Ví dụ, trước khi xảy ra tai nạn, bạn đang đi với vận tốc bao nhiêu, đang đi trên đường nào, về hướng nào, có quan sát thấy điều gì lạ không, có thấy đau ở đâu không, có chóng mặt đau đầu hay thương tích gì…
Nhân chứng đóng vai trò quan trọng khi xảy ra kiện tụng hay tranh chấp. Nếu có người chứng kiến quá trình xảy ra tai nạn, hãy đề nghị họ ở lại hiện trường trình báo với cảnh sát và xin thông tin liên lạc của họ.
Sau khi cảnh sát lấy xong lời khai và quyết định bên bị hại, hai bên có thể đi. Theo Dương, du học sinh nên tìm đến luật sư nếu xe hỏng quá nghiêm trọng hoặc vụ tai nạn gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Tùy mức độ vụ việc, tùy văn phòng luật sư, sinh viên có thể được tư vấn (miễn phí) trước khi đưa ra quyết định. Thông thường, các văn phòng luật lấy tiền công khoảng 30% của tiền bồi thường mà họ đòi lại được cho nạn nhân.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự đòi bồi thường qua công ty bảo hiểm của đối phương. Khi đã thu thập đủ thông tin, bạn lên trang web hãng bảo hiểm của họ, điền các thông tin và gửi yêu cầu. Đại diện bên bảo hiểm sẽ gọi điện làm việc với bạn.
Nếu xe hỏng không quá nặng, chỉ xước hoặc móp nhẹ, và bản thân cảm thấy vụ tai nạn không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên giải quyết trực tiếp với người gây tai nạn (để họ hỏi thay vì gợi ý). Bạn có thể mang xe ra tiệm, nhờ báo giá rồi gửi và hỏi ý kiến của họ trước khi sửa.
“Không nên đem xe đi sửa luôn, tránh trường hợp hóa đơn cao quá, bên kia lại bảo không có tiền trả thì bạn là người chịu thiệt”, Dương cảnh báo.
Dương nói khi xảy ra va chạm, đôi khi không ai không biết được cả quá trình tai nạn ra sao, đâu mới là nguyên nhân chính. Do đó, du học sinh tuyệt đối không nói xin lỗi hay nhận lỗi về mình.
“Bạn có thể thành thật khai báo với cảnh sát hoặc luật sư, ví dụ ‘tôi đang mải nói chuyện với bạn nên không biết chuyện gì xảy ra’ nhưng không bao giờ được tự nhận lỗi về mình”, Dương nói.
Trong trường hợp được xác định là người gây tai nạn, bạn nên cân nhắc tìm luật sư để giúp thương lượng với bên nguyên đơn và bảo hiểm.
Theo VNE