Ông H.P.T. đã chia sẻ lý do chưa thể thông tin đến báo chí chuyện xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng” ở Bình Thuận.
Ngày 6-4, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông H.P.T. (42 tuổi; ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) để hẹn gặp trao đổi về việc ông này có đơn xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty (tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, ông T. cho hay mình đang bận công việc, chưa thể nói được gì và sẽ chủ động liên hệ lại với phóng viên sau.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước đó, ông T. có đơn gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan về việc xin khai thác vật quý.
Theo trình bày của ông T., ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty, đoạn qua TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Hiện thông tin về “kho báu” chỉ mình ông T. biết được địa điểm. Nếu được chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép, ông T. dự kiến sẽ phối hợp cùng các đối tác để khai thác “kho báu”.
“Tôi xin cam kết nếu được cho phép khai thác, tôi xin ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận số tiền 500 triệu đồng…” – ông T. viết trong đơn.
Ngoài ra, ông T. còn xin nhận lại 30% tổng tài sản thu được từ “kho báu”, 70% còn lại sẽ bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Để việc khai thác an toàn, ông T. cần 10 cán bộ công an bảo vệ và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được; đồng thời đưa tài sản thu được về Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Mẹ của ông T. cho biết gia đình rất bất ngờ khi nghe tin con trai có đơn xin khai thác “kho báu 3 tấn vàng”.
“Trước đó, nghe T. nói nằm mơ thấy chuyện trên nên tôi đã ngăn cản con vì đó là chuyện không có căn cứ nhưng nào ngờ nó lại làm như vậy. Nghe người thân thông báo vụ việc, cha T. bị lên máu vì sốc và đang nằm ở nhà” – mẹ ông T. nói trong nước mắt.
Theo lời hàng xóm của ông T., những năm gần đây, ông T. nuôi tôm công nghiệp không đạt kết quả như mong muốn nên nợ nần rất nhiều.
Cách đây vài năm, ông T. từng lên Bình Thuận bơm cát mướn rồi sau đó cũng quay về quê do thua lỗ nên phải đi vác muối thuê.
Nguồn: Báo Người Lao động