“Nhận lương về tay, đúng ngày đúng tháng tôi mang đi mua ngay 3 chỉ vàng, số tiền còn lại mới để chi tiêu. Suốt nhiều năm liền như vậy cho tới năm 2020 tôi đã mua được mảnh đất đầu tiên ở Hà Nội”.
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Trâm (SN 1991), trú tại Đống Đa (Hà Nội) về hành trình mua nhà tiền tỷ với mức lương chỉ 15 triệu đồng/tháng.
Chị Trâm cho biết, chị sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Đỗ đại học vào năm 2009, thấy bố mẹ vất vả đi làm ở khu công nghiệp với mức lương từ 2-3 triệu đồng/người/tháng để có tiền cho mình đi học, chị đã quyết tâm chi tiêu thật tiết kiệm.
Tiết kiệm tiền mua từ nửa chỉ vàng, chị Trâm đã có thể mua nhà Hà Nội.
“Tôi xin phép đi làm thêm để bố mẹ đỡ vất vả nhưng bị cả nhà mắng, không cho đi nên tôi phải giấu để đi làm. Tiền bố mẹ gửi hàng háng tôi vẫn nhận rồi mang cất đi. Buổi đi học, buổi đi chạy bàn cho quán cơm văn phòng và cà phê từ 12 giờ trưa đến 6 giờ tối với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Thời gian còn lại là nghỉ ngơi, ôn bài và đi gia sư thêm 2 buổi/tuần lấy tiền sinh hoạt”, chị Trâm kể.
Đi làm thêm được nuôi ăn bữa trưa, lại ở kí túc xá nên chị Trâm chỉ chi tiêu, ăn uống hết khoảng 500-600 nghìn đồng/tháng. Số tiền còn lại cộng với 1 triệu đồng/tháng bố mẹ ở quê gửi lên, chị cất đi rồi tích cóp để mua vàng. Chỉ vàng đầu tiên chị mua với giá 2,8 triệu đồng ngay từ năm nhất đại học. Cứ thế, suốt 4 năm đại học, chị đã tiết kiệm cho mình được 2 lượng vàng nhẫn.
Sau khi tốt nghiệp, chị bắt đầu đi làm chính thức với mức lương từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Thời điểm đó, giá vàng dao động khoảng 35-36 triệu đồng mỗi lượng. Ngay khi nhận lương, chị ra luôn hiệu vàng mua nửa chỉ để cất, còn lại mới tiêu. Riêng khoản thưởng cuối năm chị thường mang về biếu bố mẹ lấy tiền sắm Tết.
“Năm 2018, sau 4 năm đi học và 5 năm đi làm, tôi có tổng cộng 5 lượng vàng và mang bán đi với giá 36 triệu đồng để mua một mảnh đất hơn 300m2 ở quê với giá 180 triệu đồng. Sau đó, tiếp tục đi làm và mua vàng”, chị Trâm cho hay.
Nhờ chi tiêu và tiết kiệm có kỷ luật, chị Trâm đã tích cóp được số tiền hàng tỷ đồng chỉ sau vài năm.
Thu nhập tăng dần theo từng năm và chị vẫn giữ thói quen mua vàng mang cất. Lấy chồng năm 2019, khi đó, thu nhập của chị được khoảng 10 triệu đồng/tháng, chồng chị được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhận lương, việc đầu tiên của chị là đi mua luôn 3 chỉ vàng cất két.
“Vợ chồng tôi khi đó vẫn ở nhà thuê với giá 1,4 triệu đồng/tháng. Cộng cả điện, nước hết khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tiền ăn uống, sinh hoạt chỉ hết khoảng 5 triệu đồng/tháng nên tôi đặt ra mục tiêu mỗi tháng mua ít nhất 3 chỉ vàng để tiết kiệm. Chỉ riêng năm đầu tiên, tính cả thưởng Tết, vợ chồng tôi đã tiết kiệm được gần 4 lượng vàng với giá từ 36-41 triệu đồng/lượng”, chị Trâm chia sẻ.
Vẫn bài toán tương tự, sau 4 năm lấy nhau, năm 2023, vợ chồng chị Trâm tiết kiệm được gần 20 lượng vàng, mang bán với giá 60,3 triệu đồng. Theo tính toán của chị Trâm, trung bình, mỗi lượng vàng chị bán đi lãi được từ 7-24 triệu đồng.
Nhờ tích cóp từ những đồng tiền nhỏ nhất để mua từng nửa chỉ vàng, thêm tiền bố mẹ hai bên hỗ trợ, vợ chồng chị Trâm đã mua được căn tập thể cũ với giá 1,6 tỷ đồng ở quận Đống Đa (Hà Nội).
Vàng tăng giá theo thời gian nên chị Trâm đã có cho mình mức lợi nhuận khá cao nhờ mua vàng cất két.
Theo chị Trâm, chị chọn mua vàng mỗi tháng là vì kế hoạch tiết kiệm có kỷ luật của mình. Hơn nữa, chị nhận thấy, vàng luôn tăng giá theo thời gian, muốn mua vàng cũng chỉ cần có số tiền nhỏ, không lớn như bất động sản lại dễ thanh khoản, cần là có thể bán được ngay. Khi thu nhập không cao, “năng nhặt thì chặt bị”, phải tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất và phải tiết kiệm có kế hoạch, có nguyên tắc cụ thể.
“Bây giờ, lương của tôi là 15 triệu đồng/tháng, chồng tôi được 23 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng có thêm 2 đứa con nhưng tháng nào nhận lương xong, tôi cũng vẫn đi mua 3 chỉ vàng như ngày mới lấy nhau, không để ý giá lên hay xuống. Còn bao nhiêu, cả gia đình mới chi tiêu trong khoảng đó. Chỉ có cách chi tiêu như thế thì vợ chồng tôi mới mua được nhà đất từ thu nhập không phải lớn”, chị Trâm nói.