Lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD để duy trì hoạt động của chính phủ tới tháng 9.
“Thật không dễ dàng, nhưng sự kiên trì của chúng ta đã có kết quả. Thật tốt cho người dân Mỹ khi chúng ta đạt được thỏa thuận lưỡng đảng để hoàn tất công việc”, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer phát biểu rạng sáng 23/3, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng.
Các thượng nghị sĩ Mỹ trước đó bỏ lỡ hạn chót trước nửa đêm 22/3 để thông qua dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD giúp duy trì hoạt động của chính phủ. Điều này đồng nghĩa chính phủ Mỹ bị đóng cửa từ 0h ngày 23/3.
Tuy nhiên, người dân Mỹ không kịp nhận ra điều này, do Thượng viện đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua dự luật lúc rạng sáng, với tỷ lệ 74 phiếu thuận và 24 phiếu chống, giúp các cơ quan liên bang tiếp tục duy trì hoạt động.
Dự luật trước đó được Hạ viện thông qua trưa 22/3, không bao gồm khoản viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và đảo Đài Loan. Các khoản này thuộc một dự luật khác đã được Thượng viện thông qua, song bị Hạ viện trì hoãn bỏ phiếu.
Trước khi dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD được thông qua, 3/4 cơ quan chính phủ Mỹ đã cạn kiệt ngân sách vào đêm 22/3, trong đó có cả Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa.
Gói ngân sách mới sẽ cho phép chính phủ Mỹ hoạt động đến hết năm tài khóa, bắt đầu từ ngày 1/10/2023 và kết thúc ngày 30/9.