Căng thẳng và áp lực của cuộc sống hiện đại khiến những người trẻ Trung Quốc dần khó đi vào giấc ngủ hơn.
Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc giờ đây cũng được biết đến là “đất nước mất ngủ” khi ngày càng nhiều người trẻ tại quốc gia này cho biết họ khó đi vào giấc ngủ. Do tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ ở người trẻ ngày càng tăng, quốc gia này đã chứng kiến sự xuất hiện của một nghề mới vô cùng độc đáo, nghề giúp đưa những người khác vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Theo đó, những người làm công việc này sẽ cố gắng kể chuyện hoặc trò chuyện với khách hàng của mình để khách hàng cảm thấy nhẹ nhàng và nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần trước khi đi ngủ.
Áp lực cuộc sống khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái mất ngủ, thiếu ngủ
Taozi, một trong số những người làm công việc “ru ngủ” cho biết cô từng làm một công việc ổn định với mức lương khiêm tốn. Tuy nhiên, trong một lần tự mình trải nghiệm dịch vụ “ru ngủ” để tìm người chia sẻ về những lo lắng khi chứng kiến bạn bè cùng trang lứa ở quê nhà kết hôn và lập gia đình, Taozi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Sau đó, cô quyết định chuyển sang làm nghề nghiệp đặc biệt này.
“Mở lòng và nói ra những vấn đề cá nhân khó chia sẻ với bạn bè và gia đình với người lạ có thể là cách tốt nhất để dọn sạch những suy nghĩ hỗn độn của mình. Khi cảm xúc được giải quyết, mọi người có xu hướng ngủ ngon hơn” – Taozi nói.
Sau khi trở thành người “ru ngủ”, Taozi đã tham gia một nhóm chat trên mạng xã hội, nơi cô có thể nhận đơn đặt hàng “ru ngủ” trong thời gian rảnh rỗi và chia sẻ lợi nhuận với nền tảng này.
“Những người làm nghề ngủ được phân loại theo các cấp độ khác nhau trên nền tảng, chẳng hạn như hạng vàng và trưởng nhóm và người ở cấp cao hơn cũng đồng nghĩa với việc họ kiếm được nhiều tiền hơn. Một người làm trưởng nhóm của dịch vụ này có thể kiếm được tới 260 NDT/giờ (khoảng 960.000 VND). Trong khi đó, một người làm nghề “ru ngủ” toàn thời gian thậm chí có thể kiếm được tới 30.000 NDT/tháng (khoảng 105 triệu VND), chưa kể tiền boa.” – Taozi cho hay.
Công việc “ru ngủ” ngày càng thịnh hành tại Trung Quốc
Đa phần, khách hàng của những người làm công việc này là những người trẻ tuổi đang phải vật lộn với nền văn hóa làm việc 996 ( văn hóa làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) đầy áp lực và cả những căng thẳng trong mối quan hệ tình cảm, hôn nhân hay những áp lực khác trong cuộc sống.
Taozi cũng tiết lộ rằng hầu hết khách hàng của cô là những người ở độ tuổi từ 24 đến 35 tuổi. Họ tìm kiếm sự lắng nghe và hỗ trợ về mặt tinh thần để vượt qua những thách thức của cuộc sống.
Nguồn: SCMP