Không những không nhận được tiền trúng giải, tấm vé số độc đắc còn khiến người đàn ông vướng phải rắc rối lớn.
Năm 2019, một người đàn ông tên Diêu Mẫn ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc mua trên mạng 10 tờ vé số với giá 20 NDT (khoảng 70 nghìn đồng). Sau khi Diêu Mẫn chuyển khoản xong, người bán cũng gửi ảnh chụp các tờ vé số cho anh để xác nhận. Người đàn ông không ngờ được rằng lần này vận may đã thực sự mỉm cười với mình. Trong số các tờ xổ số Diêu Mẫn đã mua, có 1 tờ trúng giải độc đắc trị giá 10 triệu NDT (khoảng 35 tỷ đồng).
Tuy nhiên, khi Diêu Mẫn đến cửa hàng, những người bán vé số cho anh hôm trước lại thẳng thừng nói rằng họ đã gửi nhầm ảnh, đồng nghĩa với việc Diêu Mẫn không nhận được tiền trúng thưởng.
Theo lời người bán tên Vương Húc, Diêu Mẫn mua vé số sau 5 giờ chiều, nhưng thời gian in trên vé là 1h chiều nên không được xem là hợp lệ. Vì đây là lỗi của người bán, Vương Húc đề nghị Diêu Mẫn ký vào 1 “thỏa thuận bồi thường”. Theo đó, Vương Húc sẽ bồi thường cho 150.000 NDT (hơn 500 triệu đồng), trả trước 70.000 NDT (khoảng 245 triệu đồng).
Nhưng 2 tháng sau, Diêu Mẫn tình cờ biết được người đàn ông họ Cao – anh họ chủ cửa hàng vé số Vương Húc là người lĩnh giải độc đắc bằng tấm vé số y hệt của mình. Cho rằng Vương Húc cố tình lừa mình “thỏa thuận bồi thường”, Diêu Mẫn quyết định kiện chủ cửa hàng vé số ra tòa.
Sau 2 phiên tòa đầu tiên, tòa án đã đưa ra phán quyết quyền sở hữu tấm vé số thuộc về Diêu Mẫn. Theo thẩm phán, Diêu Mẫn đã thanh toán tiền vé bằng cách chuyển khoản và có chụp lại biên lai. Bên cạnh đó, lịch sử tin nhắn cũng cho thấy Vương Húc đã gửi lại đúng hình ảnh tờ xổ số trúng giải Diêu Mẫn, vì vậy người bán có trách nhiệm phải giao vé số tương ứng cho người mua.
Mặt khác, Vương Húc cũng không thể đưa ra được bằng chứng chứng minh quy trình thanh toán vé số của người anh họ. Khi đề xuất ký “thỏa thuận bồi thường”, Vương Húc cũng không hề nói với Diêu Mẫn rằng tờ vé số thực sự thuộc sở hữu người anh họ. Điều này cho thấy Vương Húc đã có dấu hiệu không minh bạch trong giao dịch với Diêu Mẫn.
Những tưởng sẽ nhận lại được giải thưởng độc đắc mà mình đáng được nhận, nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, Diêu Mẫn lại phải đối mặt với rắc rối lớn hơn. Vì “thỏa thuận bồi thường” giữa 2 người đã bị vô hiệu hóa, Diêu Mẫn phải hoàn trả đủ 70.000 NDT (khoảng 245 triệu đồng) trong thỏa thuận cho Vương Húc.
Diêu Mẫn cho biết, anh không ngờ bản thân lại rơi vào rắc rối lớn khi chưa nhận được đồng nào từ Vương Húc, cũng chưa nhận được tiền trúng giải vé số, bỗng nhiên lại phải giao nộp 70.000 NDT (khoảng 245 triệu đồng). Cuối cùng, vì không hoàn trả đủ số tiền trong “thỏa thuận bồi thường”, Diêu Mẫn thậm chí còn bị xử phạt vì vi phạm luật tín nhiệm. Đến tháng 10/2021, người đàn ông bị tòa án đưa vào danh sách hạn chế tiêu dùng, gây hậu quả lớn đến cuộc sống và công việc của anh.
Sau sự việc, cảnh sát Tây An cũng khuyến cáo người dân không nên mua vé số trực tuyến để tránh vướng vào những rắc rối không đáng có như trường hợp của Diêu Mẫn. Việc giao dịch qua mạng không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn dễ gặp phải những rủi ro về pháp lý. Đã từng có những trường hợp người bán hoán đổi vé số trúng giải và xảy ra tranh chấp. Việc kiện tụng không thành công cũng gây tốn nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến đời sống của người khởi kiện.
(Theo 163.com)