Khi nhắc đến thương hiệu Dayun, nhiều người nghĩ đến những chiếc xe tải hạng nặng, nhưng đối với nhiều người thuộc thế hệ trung niên ở Trung Quốc, ký ức sâu sắc nhất về thương hiệu này lại là những chiếc xe máy.
Viễn Cần Sơn sinh năm 1968, là con út trong một gia đình nghèo tại vùng quê Vận Thành, Trung Quốc. Sinh ra và lớn lên trong khó nhọc, cậu bé họ Viễn dường như đã bị ám ảnh bởi việc kiếm tiền. Dù không quá thích việc học hành, song Viễn Cần Sơn vẫn cố gắng hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc vì ông cho rằng nếu không học thì phải làm ruộng, mà làm ruộng thì không kiếm được nhiều tiền.
Sau khi học xong, cậu thiếu niên họ Viễn ra ngoài làm ăn. Không có bất kỳ kỹ năng hay mối quan hệ nào, cậu chỉ đành khởi nghiệp bằng nghề bán lại lương thực. Dẫu vậy, công việc vừa vất vả, vừa chẳng kiếm được bao nhiêu nên Viễn Cần Sơn lúc nào cũng nung nấu ý định “đổi nghề”.
Mùa xuân năm 1986, anh em họ của Viễn Cần Sơn làm việc ở xa đã lái xe máy về quê ăn tết. Lúc đó, một chiếc xe máy mới ở Vận Thành có giá khoảng 5.000 NDT (hơn 17,7 triệu đồng), đủ để nuôi sống 1 người trong hơn 20 năm. Thấy họ hàng ra ngoài làm ăn có thể mua được xe máy, chàng thanh niên họ Viễn cũng quyết định “tha phương” với hy vọng sẽ “đổi đời”. Sau 1 năm ở nơi đất khách, Viễn Cần Sơn tự tin đặt cho mình một mục tiêu mà dân nông thôn ngày ấy không bao giờ nghĩ tới, đó là lấy được hộ khẩu thành thị, có nhà, có ô tô trong vòng 10 năm.
Năm 1987, Viễn Cần Sơn khi đó mới 19 tuổi, đã vay 3.000 NDT (hơn 10,6 triệu đồng) và đi đến Quảng Châu để bắt đầu kinh doanh. Sau khi lang thang ở đây vài ngày, thanh niên này nhận thấy một chiếc xe máy Jialing 70 được bán với giá 2.000 NDT (hơn 7 triệu đồng). Trong khi đó, ở quê hương Vận Thành của anh, ngay cả những chiếc xe máy cũ cũng đắt hơn thế rất nhiều. Phát hiện này đã giúp Viễn Cần Sơn nảy ra một ý định kinh doanh táo bạo, đó là mua chiếc xe máy ở Quảng Châu và mang về Vận Thành bán lại để kiếm lời.
Vì chi phí vận chuyển quá cao nên Viễn Cần Sơn quyết định tự lái xe máy về quê. Quãng đường này dài hơn 1.800 km, mất khoảng 6 ngày 5 đêm nhưng anh vẫn kiên trì bởi thứ chờ anh ở Vận Thành là một khoản lãi vô cùng lớn. Theo đó, với mỗi chiếc xe được bán với giá 3.500 NDT, sau khi trừ chi phí, Viễn Cần Sơn lãi 1.000 NDT (3,5 triệu đồng). Số tiền này đã bằng tổng thu nhập từ việc bán lại ngũ cốc trong 5 năm – công việc mà anh làm trước đó. Điều này khiến Viễn Cần Sơn có thêm động lực gắn bó với nghề. Trong thời gian đó, anh còn học kiến thức về xe máy. Sau 4 năm kiên trì, khi đã tích lũy được một chút vốn, chàng thanh niên 23 tuổi lúc đó quyết định mở cửa hàng bán lẻ xe máy ở Vận Thành.
Vào thời điểm đó, thương nhân bán xe máy ở Vận Thành không nhiều nên công việc kinh doanh của Viễn Cần Sơn rất phát đạt. Thậm chí, khách hàng của anh còn mở rộng ra những tỉnh lân cận. Năm 1992 doanh thu của cửa hàng đã lên tới 20 triệu NDT (hơn 71 tỷ đồng). Nhờ đó, mục tiêu mua nhà và xe của chàng thiếu niên ngày nào đã được thực hiện sớm trước 6 năm.
Năm 1997, Viễn Cần Sơn thành lập tập đoàn Tongda chuyên kinh doanh xe máy với doanh thu hàng năm lên tới 2 tỷ NDT (hơn 7.104 tỷ đồng). Tuy nhiên, chàng trai họ Viễn không tự mãn về điều đó. Bởi với tầm nhìn xa của mình, anh nhanh chóng cảm nhận được những rủi ro khi công việc kinh doanh đang diễn ra thuận lợi. Năm 1998, toàn bộ ngành công nghiệp xe máy ở Trung Quốc phải đối mặt với cuộc chiến về giá, tỷ suất lợi nhuận của cả nhà sản xuất và người bán đều giảm mạnh.
Lợi nhuận của Tập đoàn Tongda cũng giảm 40% khiến người đàn ông này nảy ra ý định tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe máy. Tuy nhiên, để tự mình sản xuất xe máy, Viễn Cần Sơn vẫn cần một cơ hội. May mắn thay, sau nhiều năm trì hoãn do không có năng lực sản xuất và thiếu vốn, Viễn Cần Sơn đang chưa biết làm thế nào để gia nhập ngành sản xuất xe máy thì cơ hội cũng đến khi một công ty tên Beiyi đã tiếp cận và muốn thuê anh về làm quản lý.
Nhờ sự hợp tác này, Viễn Cần Sơn đã học hỏi thêm kinh nghiệm và có thêm nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu của mình. Trong thời gian này, anh cũng thành công lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Tôn Trung Sơn. Đến năm 2004, Viễn Cần Sơn chính thức thành lập thương hiệu xe máy của riêng mình là Dayun Motorcycle. Làm ăn thuận lợi, anh tiếp tục đầu tư 2 tỷ NDT (hơn 7.104 tỷ đồng) để thành lập Công ty TNHH sản xuất ô tô Dayun ở Vận Thành sau khi nhận thấy thị trường xe máy ở Trung Quốc bắt đầu có xu hướng thu hẹp, trong khi đó thị trường ô tô đang ngày càng phát triển.
Bắt đầu với ngành sản xuất ô tô với vô vàn khó khăn, Viễn Cần Sơn quyết định không tham gia vào dòng xe nhỏ cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu kỹ thuật cao mà đầu tư vào xe tải hạng nặng. Đây là một quyết định rất thông minh. Dẫu vậy khi bắt đầu sản xuất, xe tải hạng nặng Dayun cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi thiếu công nghiệp hỗ trợ và công nhân lành nghề. Tuy nhiên, Viễn Cần Sơn vẫn kiên trì với mục tiêu ban đầu của mình. Cuối cùng đến năm 2009, chiếc xe tải hạng nặng đầu tiên của Dayun cũng đã được xuất xưởng và bắt đầu hành trình chinh phục thị trường.
Theo Toutiao, xe tải hạng nặng có tuổi thọ ngắn, với những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được triển khai thời điểm đó ở Trung Quốc, nhu cầu về xe tải hạng nặng sẽ rất lớn. Xe tải nặng Dayun không chỉ đạt được mức giá thành tương đối hợp lý mà còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng bằng chính chất lượng của mình thông qua việc không ngừng cải tiến. Vì vậy ngay khi ra mắt, xe tải của Viễn Cần Sơn đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Thậm chí sản xuất còn không theo kịp nhu cầu bán hàng. Trước sự thành công vang dội của Dayun, nhiều công ty cũng thèm muốn thị trường xe tải hạng nặng và tham gia vào sản xuất nhưng đều phải đóng cửa.
Sống sót qua cuộc khủng hoảng năm 2012 và 2015, Tập đoàn Dayun ngày nay đã trở thành một trong 500 công ty hàng đầu Trung Quốc, với hơn 10.000 nhân viên. Vào ngày 13 tháng 1 năm 2017, doanh nghiệp vận tải này đã có giá trị thị trường là 18,7 tỷ NDT (hơn 66.000 tỷ đồng). Vào ngày 10 tháng 10 năm 2019, Viễn Cần Sơn đã trở thành doanh nhân nổi tiếng khắp Trung Quốc và sở hữu khối tài sản lên đến 5,5 tỷ NDT (hơn 19.000 tỷ đồng). Bản thân Viễn Cần Sơn cũng trở thành tấm gương khởi nghiệp, truyền cảm hứng dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến tới những thế hệ tương lai của Trung Quốc.
(Theo Toutiao)