Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đông khách kỷ lục dẫn đến tình trạng quá tải. Khách tham quan ồn ào, trèo lên hiện vật gây bức xúc.
Cuối tuần qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón lượng khách đông kỷ lục. Chi tính riêng sáng 10.11, đã có hơn 30.000 khách đổ về bảo tàng. Con số tiếp tục tăng lên khoảng 40.000 khách tính đến cuối ngày, đông nhất từ khi bảo tàng mở cửa.
Lượng khách ùn ùn đổ về khiến khuôn viên bên trong và cả phía ngoài bảo tàng đông nghịt. Tình trạng quá tải gây ra nhiều cảnh tượng phản cảm liên quan đến ý thức của khách tham quan.
Ngày 11.11, cộng đồng mạng mới đây xôn xao trước video 8 giây ghi lại cảnh một cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng, nhảy lên để quay phim, chụp ảnh. Hành vi của cô gái khiến nhiều người không khỏi bức xúc, đồng thời đặt câu hỏi thắc mắc về vấn đề an ninh, kiểm soát du khách tại bảo tàng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tham quan bảo tàng ngày 10.11, cho biết: “Mình đến bảo tàng vào khoảng 9h40, mất gần một tiếng để di chuyển trên đoạn đường 3-4 km vì tắc đường kéo dài”.
Đến nơi, bảo tàng đã chật kín khách. Phía cổng, dòng người và xe cộ đi lại đông nghịt, không phân chia lối đi theo làn. “Nhiều gia đình có thêm con nhỏ nên không khí càng hỗn loạn”, nữ du khách kể.
Đi sâu vào trong, Ngọc Ánh choáng ngợp trước bầu không khí ồn ào, đông đúc tại đây. Nhiều du khách, bao gồm cả người lớn và trẻ em tự do sờ nắn, thậm chí trèo lên hiện vật trưng bày.
“Khi mình đến chỉ thấy các chú bảo vệ bên ngoài khu vực để xe, bên trong bảo tàng không có nhân viên, hướng dẫn viên hay bảo vệ xung quanh các mô hình, hiện vật”, nữ du khách phản ánh.
Theo chị Ánh, khu vực trưng bày máy bay ngoài trời có nhân viên cầm loa, nhắc nhở mọi người giữ trật tự, không chạm vào hiện vật. Tuy nhiên, nhiều người khiến bảo tàng quá ồn ào, không thể nghe rõ tiếng nhân viên hướng dẫn.
“Mình thường xuyên đến các bảo tàng ở Hà Nội và nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng đông đúc, ồn ào như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam”, chị Ánh cảm thán.
Chị Nguyễn Lệ Nhật, hướng dẫn viên du lịch (Hà Nội), cũng có chuyến tham quan kết hợp khảo sát tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cuối tuần qua.
Sau chuyến đi, chị Nhật nhận định: “Có lẽ trong tháng 12, tình trạng đông đúc, chen lấn tại bảo tàng sẽ tiếp tục xảy ra và kéo dài đến khi hết miễn phí vé. Do đó, mình sẽ không tư vấn du khách, đặc biệt là các đoàn học sinh đến đây trong thời gian này”.
Tuy nhiên, nữ hướng dẫn viên nhận xét đây là một điểm đến thú vị để du khach tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam. Mỗi gian đoạn lịch sử được chia theo từng mốc thời gian nên du khách dễ dàng theo dõi, tìm hiểu. Một số hiện vật được đưa vào phòng trưng bày để người xem có thể cảm nhận chân thực.
Mặt khác, chị Nhật cho rằng hiện lượng nhân viên ở bảo tàng khá ít, không đủ để phục vụ và hướng dẫn lượng khách đông quá tải. Du khách chỉ nghe thấp thoáng tiếng loa thông báo, không thấy nhân viên bảo tàng trực tiếp quản lý, hướng dẫn tại các điểm tham quan.
Về việc khách tham quan, bao gồm cả người lớn và trẻ em, tự ý sờ nắn, trèo lên hiện vật, chị Nhật cho rằng phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao. Bảo tàng cũng chưa chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ các hiện vật trưng bày.
Chia sẻ với Lao Động, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), cho biết: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện thu hút lượng khách tham quan lớn, điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng cao của công chúng đối với lịch sử và văn hóa quân sự của đất nước.
Việc đông đảo khách đến tham quan có thể coi là tín hiệu tích cực cho thấy bảo tàng đang phát huy tốt vai trò giáo dục và truyền thông về di sản văn hóa. Một mặt khác đây cũng là một công trình kiến trúc mới rất đặc biệt và khác lạ làm tăng sự tò mò và muốn đến thăm quan trải nghiệm của nhiều du khách”.
Theo ông Quỳnh, việc khách trèo leo và sờ nắn các hiện vật là một vấn đề đáng lưu tâm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do bảo tàng mới đi vào hoạt động còn thiếu nhân viên bảo vệ hoặc hướng dẫn viên, dẫn đến việc khách tham quan không tuân thủ quy định.
“Khách tham quan, đặc biệt là trẻ em, thường có xu hướng muốn khám phá và tìm hiểu trực tiếp về hiện vật. Những biển báo nhắc nhở không đủ hoặc không nổi bật có thể khiến khách không ý thức được việc không nên chạm vào hiện vật”, ông Quỳnh nói.
Chuyên gia này cho biết, tại nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, việc bảo tồn hiện vật thường được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhiều bảo tàng sử dụng kính chống va đập để bảo vệ hiện vật khỏi sự tác động của môi trường và con người, sử dụng camera và nhân viên bảo vệ để theo dõi hoạt động của khách tham quan, có chế tài xử lý cụ thể trong từng hành vi vi phạm…
Ngoài ra, ở các bảo tàng lớn trên thế giới thường tổ chức các buổi thuyết trình, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo vệ di sản, sử dụng các chất liệu và công nghệ hiện đại để bảo quản hiện vật, tránh hư hại do môi trường.
Ông Quỳnh nhận định: “Hiện trạng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể coi là một vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc. Việc khách tham quan không tuân thủ quy định bảo vệ hiện vật có thể được xem là sai phạm trong việc bảo tồn di sản văn hóa”.
Theo đó, cần nâng cao công tác quản lý, giám sát và giáo dục khách tham quan. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có những quy định rõ ràng và hỗ trợ bảo tàng trong việc bảo vệ hiện vật. Mỗi cá nhân cũng cần ý thức và tôn trọng các hiện vật lịch sử.
“Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ giúp bảo tồn tốt hơn các hiện vật mà còn nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại bảo tàng”, ông Quỳnh khẳng định.