GDVN – Muốn thay đổi thói quen thì việc đầu tiên lãnh đạo nhà trường phải nói đúng, viết đúng trước Hội đồng sư phạm và trong các kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Năm học 2024-2025- năm cuối ngành Giáo dục và các nhà trường phổ thông thực hiện lộ trình cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Vì thế, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không còn hiệu lực.
Thay vào đó, tất cả các khối lớp ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều thực hiện việc đánh giá học lực, rèn luyện của học sinh theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, đối với môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ có 2 mức: đạt, chưa đạt; những môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số sẽ được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Vì thế, từ năm học này, cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ không còn các mức học lực: giỏi; trung bình;yếu; kém. Thế nhưng, nhiều giáo viên, thậm chí là lãnh đạo nhà trường vẫn còn nhầm lẫn khi thực hiện các kế hoạch của nhà trường.
Năm học 2024-2025 sẽ không còn học lực: giỏi; trung bình; yếu; kém và danh hiệu Học sinh Tiên tiến
Hàng chục năm qua, khi thực hiện Chương trình 2006, việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và sau này là Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT nên học lực của học sinh được xếp theo 5 mức: giỏi; trung bình; yếu; kém.
Chính vì thế, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã quen thuộc với các mức xếp loại học lực: giỏi; trung bình; yếu; kém khi nói và viết trong các kế hoạch nhà trường và cá nhân.
Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và việc xếp loại học lực cũng được thay đổi bằng những tên gọi khác. Theo đó, học lực của học sinh được xếp ở 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Nếu như các năm học trước, các nhà trường dạy cả Chương trình 2006 và Chương trình 2018 thì việc xếp loại còn lẫn lộn ở các mức: giỏi; trung bình; yếu; kém còn có thể chấp nhận được.
Nhưng, bắt đầu từ năm học 2024-2025, Chương trình 2018 đã áp dụng đồng loạt ở các khối lớp. Vì thế, tên gọi trong xếp loại học lực học sinh cũng phải thay đổi để đồng nhất tên gọi với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ thay đổi ở việc xếp loại học lực mà danh hiệu học tập của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông từ năm học này cũng không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến.
Từ năm học này, danh hiệu học tập chỉ còn danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Danh hiệu “Học sinh Giỏi” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
Ngoài ra, học sinh còn được hiệu trưởng nhà trường khen thưởng khi có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Hoặc, học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Nhà trường và giáo viên vẫn sử dụng như một thói quen
Những tuần vừa qua, bản thân người viết bài có tham dự đoàn kiểm tra chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với các trường học trên địa bàn. Một điều bất ngờ là nhiều trường học và giáo viên vẫn đang còn sử dụng xếp loại học sinh về học lực theo các mức: giỏi; trung bình; yếu; kém.
Điều này được thể hiện trên kế hoạch nhà trường; kế hoạch tổ chuyên môn và kế hoạch giáo dục của giáo viên. Trong các chỉ tiêu về học lực thì nhiều trường học vẫn dùng theo cách gọi trước đây. Việc sử dụng các mức học lực này không phù hợp với hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Không chỉ trong kế hoạch giáo dục mà trong phần giao nhiệm vụ cho giáo viên, một số hiệu trưởng nhà trường vẫn giao nhiệm vụ theo tỉ lệ học sinh giỏi và yếu, kém. Câu “tỉ lệ học sinh giỏi phải bằng và cao hơn năm trước; tỉ lệ học sinh yếu, kém bằng hoặc thấp hơn năm học trước” vẫn hiện hữu.
Chính vì thế, đoàn kiểm tra đã góp ý nhà trường; tổ chuyên môn; giáo viên phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Việc thay đổi này phải bắt đầu từ nhà trường bởi thầy cô gọi sai sẽ dẫn đến học sinh gọi sai và đương nhiên phụ huynh cũng sẽ gọi theo.
Thiết nghĩ, muốn thay đổi thói quen đã được các nhà trường thực hiện hằng chục năm qua thì việc đầu tiên lãnh đạo nhà trường phải nói đúng, viết đúng trước Hội đồng sư phạm và trong các kế hoạch của nhà trường.
Bởi thông thường, khi nhà trường ban hành kế hoạch thì các tổ chuyên môn sẽ lấy mẫu từ nhà trường; giáo viên lấy mẫu từ tổ trưởng và dẫn đến những cái sai sơ đẳng mà chính người trong cuộc lại chưa nói đúng, viết đúng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.